Hỗ trợ trực tuyến

Những điều cần biết khi sử dụng KMnO4 trong nuôi tôm

Với nhiều tác dụng đối với tôm nuôi, thuốc tím (KMnO4) được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để sử dụng đúng cách và hiệu quả, cần lưu ý đến các yếu tố khác nhau trong quá trình sử dụng.

Ngày đăng: 19-08-2024

67 Lượt xem

Với nhiều tác dụng đối với tôm nuôi, thuốc tím (KMnO4) được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để sử dụng đúng cách và hiệu quả, cần lưu ý đến các yếu tố khác nhau trong quá trình sử dụng.

nhung-dieu-can-biet-khi-su-dung-KMnO4

Tác dụng

Thuốc tím (Kali Permanganate) có công thức hóa học là KMnO4, là một chất ôxy hóa mạnh, có thể ôxy hóa vật chất vô cơ lẫn hữu cơ. Thuốc tím có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm, tảo và cả virus thông qua việc ôxy hóa trực tiếp màng tế bào của vi sinh vật, phá hủy các enzyme đặc biệt điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào.

Thuốc tím được sử dụng với nồng độ 1 – 2 ppm có tác dụng tăng DO và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi (hàm lượng COD cũng giảm nhẹ); Thuốc tím trong nước hoạt động dưới dạng MnO4-, với nồng độ 20 ppm trong 1 giờ diệt được nhóm nguyên sinh động vật và nhóm vi khuẩn dạng sợi (Flexibacter columnaris) tạo mảng bám trên tôm sú.

Thời điểm sử dụng

– Thường sử dụng xử lý nước đầu vụ nuôi và cuối vụ nuôi, do KMnO4 khi kết hợp với nước tạo ra MnO2 gây độc cho tôm.

– Sử dụng thuốc tím trong ao nuôi sẽ diệt tảo và gây thiếu ôxy trong ao, do đó cần tăng cường chạy quạt.

– Để diệt khuẩn nên dùng ở liều lượng 2 – 4 mg/L. Liều diệt khuẩn phải dựa vào mức độ chất hữu cơ trong nước. Để diệt virus thì nên dùng liều 50 mg/L hoặc cao hơn.

– Thuốc tím có tính ôxy hóa rất mạnh, dễ bị phân hủy khi pha thành dung dịch, do đó khi pha phải sử dụng ngay, việc bảo quản ở dạng lỏng không nên quá 24 giờ và phải tránh nhiệt độ cao, ánh nắng chiếu trực tiếp. Khi dùng liều cao (>10 ppm), lượng manganese oxide (MnO) tạo thành sau quá trình ôxy hoá rất nhiều sẽ gây độc cho tôm cá.

– Thuốc tím mang tính đối kháng với một số hợp chất như là formaline, cồn, các hợp chất arsenite, bromide, iodine, phosphorus, axít sulfuric, sulfur, than hoạt tính, và H2O2. Do đó, không sử dụng thuốc tím chung các loại thuốc nêu trên.

– Quá trình xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tôm cá do đó cần theo dõi sức khỏe sau khi xử lý.

– Thời gian xử lý giữa 2 lần ít nhất là 4 ngày.

Hạn chế

Khi sử dụng KMnO4 trong sát trùng nước ao nuôi tôm có một số hạn chế sau:

– Không bền, giảm khả năng diệt trùng dưới ánh nắng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao nên cần phải bảo quản trong các lọ màu nâu đen để tránh ánh sáng trực tiếp.

– Hạn chế sử dụng trong ao nuôi có tôm (trong quá trình đang nuôi) vì khi vào nước KMnO4 sẽ kết hợp với nước tạo ra MnO2 gây độc cho tôm.

– Tác dụng kém trong ao nuôi có nhiều chất hữu cơ. Trong trường hợp này cần thử khả năng ôxy hóa chất hữu cơ trong ao (nước vẫn còn màu tím trong mẫu nước thử) mới tính được liều sử dụng.

– Sử dụng với nồng độ 2 – 6 ppm thuốc có tác dụng giảm chất hữu cơ trong ao nuôi làm trong nước và tăng ôxy hoà tan và nhưng hiệu quả tạo ôxy hòa tan không cao.

Cách ước lượng thuốc tím

Liều lượng thuốc tím sử dụng phụ thuộc vào lượng vật chất hữu cơ trong môi trường nước. Vì vậy, việc ước lượng hàm lượng thuốc tím sử dụng là cực kỳ quan trọng. Nếu không, lượng thuốc tím sẽ phản ứng với vật chất hữu cơ, trở nên trung tính và không đủ độc lực để tiêu diệt mầm bệnh. Để ước lượng nhu cầu thuốc tím người nuôi có thể sử dụng 1 trong 2 cách dưới đây:

Cách 1: Phương pháp thông thường khi sử dụng thuốc tím là bắt đầu với liều 2 mg/l. Nếu sau khi xử lý thuốc tím, quá trình chuyển màu của nước từ tím sang hồng diễn ra trong vòng 8 – 12 giờ, nghĩa là lượng thuốc tím sử dụng đã đủ không cần tăng thêm. Tuy nhiên, nếu trong vòng 12 giờ xử lý, màu nước chuyển sang màu nâu, điều này được xác định là chưa đủ liều, do đó có thể thêm 1 – 2 mg/l nữa. Thời gian xử lý thuốc tím thường được bắt đầu vào sáng sớm để có thể quan sát sự chuyển màu của thuốc tím trong 8 – 12 giờ.

Cách 2: Đầu tiên, lấy một cốc nước cất, cho vào 1 g thuốc tím (tạm gọi là dung dịch chuẩn). Dùng 5 cốc khác, mỗi cốc lấy 1 lít nước ao. Lần lượt cho vào 5 cốc nước ao: 2, 4, 6, 8, 10 ml dung dịch chuẩn, khuấy đều. Đợi 15 phút, thấy cốc nào còn màu hồng thì lấy số ml của dung dịch chuẩn đã thêm vào cốc đó nhân với 2, ta sẽ được nồng độ (mg/l) thuốc tím cần dùng đối với môi trường nước hiện tại.

Lưu ý

Cũng giống như các loại thuốc sát trùng khác, khi sử dụng thuốc tím trong nuôi tôm cần lưu ý đến những vấn đề sau:

- Việc sử dụng thuốc sát trùng phải được tiến hành trước khi thả tôm giống trong 3 – 5 ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh do vi khuẩn, virus có trong nước. Trong thời gian này, người nuôi phải tranh thủ ngay khi dư lượng thuốc sát trùng phân hủy, bay hơi hết (thường trước 48 giờ), cần nhanh chóng gây màu nước, cấy vi sinh và thả tôm giống.

- Thuốc sát trùng nên được sử dụng khi xung quanh có dịch bệnh, môi trường nước ao tôm dơ bẩn hoặc gần thu hoạch.

- Sau khi sát trùng nước thì vi khuẩn gây hại sẽ nhanh chóng bùng phát trở lại. Vì thế, người nuôi cần phải cấy vi sinh ngay sau 48 giờ sử dụng để giúp vi khuẩn có lợi bacillus tạo quần thể ưu thế trước, từ đó khống chế mật độ vi khuẩn gây bệnh dưới mức nguy hiểm. Ở điều kiện bình thường, việc sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ có thể lấn át vi khuẩn gây hại trong nước ao nuôi, trong trường hợp áp lực dịch bệnh cao, việc sử dụng thuốc sát trùng là cần thiết vì giúp kiểm soát mật độ vi khuẩn có hại dưới mức nguy hiểm.