Cá bột là một giai đoạn phát triển trong vòng đời của loài cá. Cá đi qua các giai đoạn vòng đời khác nhau từ khi nở và trưởng thành, từ cá hương là bắt đầu từ con cá bột để đạt cỡ chiều dài 2,5-3 cm.
Sau khi nở kích thước cá bột còn nhỏ, có chiều dài thân 0,6-0,8 cm, hoạt động rất yếu, phạm vi ăn hẹp, khả năng hấp thụ thức ăn kém. Vì vậy trong giai đoạn này không thể nuôi thả ngay trong diện tích lớn được mà phải ương nuôi trong diện tích nhỏ, dễ tạo ra môi trường sống tốt giàu chất dinh dưỡng và không có các vật nuôi khác xâm hại. Theo dõi chăm sóc chu đáo cho cá con.
1.Lựa chọn ao ương cá bột:
Trước khi ương phải lựa chọn những ao tốt, đạt những tiêu chuẩn sau:
– Ao phải tiện nghi.
Chẳng hạn như ao ương di động hay còn gọi là bể ương nổi, ao vèo dễ dàng lắp đặt có thể di dời được vị trí có mái che nắng mưa
– Nguồn nước phải chủ động dẫn và tiêu dễ dàng.
Theo qui trình ương thì thời gian đầu dẫn nước vào từ từ và nâng cao dần mực nước. Cá bột thích sống ở những vùng nước nông. Sau một thời gian cho thêm nước vào ao để làm cho môi trường sống của cá rộng hơn, đồng thời cải thiện trạng thái hoá học của nước.
– Chất đáy phải thích hợp
Chất đáy có tác dụng điều chỉnh độ béo của nước, nếu chất đáy tốt có độ pH trung bình 6,5-7,5 thì dễ dàng tạo ra nguồn nước tốt. Nếu chất đấy kém độ pH thấp hoặc rất cao thì khó gây được màu nước nên chọn đất bùn lót đáy ao là tốt nhất. Độ dày của bùn từ 20-25cm là vừa, nếu quá dày thì dễ gây ra chất độc
– Diện tích và độ sâu vừa phải
Ao ương cá con diện tích khoảng 500-1000m2 bể ương nổi sẽ rất phù hợp nhất. Ao rộng quá khó chăm sóc, điều chỉnh màu nước xử lý khi có dịch bệnh chậm, khi có gió dễ có sóng đánh dạt cá bột vào bờ làm tổn thương cá. Ngược lại ao quá nhỏ thì ương cá bột được ít, chất nước sẽ thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của những điều kiện ngoại cảnh sẽ không tốt cho sức khoẻ của cá.
Độ sâu của ao chỉ từ 1-1,2m bể ương nổi là lựa chọn được nhiều người sử dụng, cá bột thích sống ở vùng nước nông, gần bờ nên không cần ao sâu.
– Bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ.
Bờ ao tốt nhất lót bạt HDPE chuyên dụng an toàn tuyệt đối không rò rỉ
– Ánh sáng đầy đủ
Thức ăn của cá bột là sinh vật phù du, sinh vật phù du cần ánh sáng để sinh trưởng và phát triển. Do đó bờ ao không nên có nhiều bụi rậm và cây cao, ao thoáng khí nhiều ánh sáng, thức ăn cho cá phong phú hơn.
2. Chuẩn bị ao ương cá bột:
–Tẩy ao: Tiến hành việc tẩy ao nhằm tiêu diệt các loại vi khuẩn, tảo hại cá, có các phương pháp tẩy ao như:
Tẩy bằng vôi: Nếu dùng vôi cục để tẩy ao thì tháo nước vào khoảng 7-10cm để vôi phân bố đều, lượng vôi dùng là 30-40kg/sào, những ao ít bùn dùng 20-30kh/sào (tức là khoảng 6-10kg vôi cho 100m2 ao). Cách làm: Đào 1 vài hồ ở xung quanh bờ, cho vôi vào tôi rồi dùng gáo vảy đều khắp ao, ngày hôm sau dùng cào, vồ đảo bùn với nước vôi để nước vôi ngầm sâu, tăng hiệu quả của vôi (tuỳ loại nhiều bùn hay ít bùn mà điều chỉnh lượng vôi).
Nếu tẩy ao bằng vôi bột cũng có hiệu quả tốt. Ao sau khi tát dọn, dùng vôi bột (10kg/100m2ao) rải đều khắp đáy ao và xung quanh ao. Sau đó cũng dùng cào sục cho vôi ngấm đều nên làm vào ngày nắng
Tẩy vôi ao có tác dụng: trứng ếch nhái hoặc nòng nọc, một số loại côn trùng có hại, các ký sinh trùng gây bệnh; giải phòng một số chất khoáng bị giữ lại trong bùn; giảm độ chua của ao; giữ độ pH trong ao ổn định.
–Bón lót gây màu: Bón phân trước nhằm mục đích tăng cường các chất dinh dưỡng cho đáy ao, gây nuôi các loại sinh vật nổi có kích thước nhỏ bé phát triển làm thức ăn cho cá để sau khi thả là cá đã có sẵn thức ăn ngay. Cá mau lớn, ít hao hụt. Thời gian bón lót thích hợp nhất là 6-7 ngày trước khi thả cá. Bón sớm quá các loại địch hại có thời gian sinh sản phảt triển. Phân bón thường dùng là phân chuồng. Một sào Bắc bộ dùng 80-100kg phân (khoảng 30-50kg/100m2). Nếu dùng phân bắc thì sử dụng 15-20kg/100m2 ao. Đối với những ao ở miền rừng núi, trung du khó gây màu thì số lượng phân nhiều hơn số lượng nêu trên.
Phân vẩy đều khắp ao. Nếu có điều kiện thì bừa hoặc cào để trộn đều phân với bùn.
–Cho nước vào sau khi đã bón lót thì cho nước vào ao. Lúc đầu chỉ giữ mức nước 50-60cm. Chỉ tháo nước trước khi thả cá 1-2 ngày. Khi cho nước vào phải kiểm tra, lọc sạch sinh vật địch hại của cá không cho chúng lọt vào ao.
Những công việc trên cần tiến hành tuần tự và kỹ lưỡng. Công việc chuẩn bị ao làm sao sát ngày thả cá bột. Nếu chuẩn bị ao quá sớm, ngoài 10 ngày trở ra thì các loài sinh vật địch hại phát triển trở lại, khi đó phải chuẩn bị lại lần nữa thì rất tốn công và lãng phí phân.
3. Cách thả cá bột
Cá bột cần được thả vào ao ương trong vòng 24 giờ sau khi lấy nước vào, để cho những địch hại của cá bột (giáp xác chân chèo, nòng nọc, bọ gạo, bắp cày…) chưa kịp phát triển. Sau đó, thức ăn dư thừa của cá bột (bột đậu, cám…) sẽ cung cấp thêm dinh dưỡng giúp tảo phát triển gây màu cho ao. Trường hợp sau khi lấy nước vào hơn 2 ngày vẫn chưa thả cá bột thì nên tháo cạn nước, cải tạo lại từ đầu. Thả cá bột xuống ao với mật độ khoảng 300 - 500 con/m2. Thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Trước khi thả, nên ngâm túi cá trong nước khoảng 10 - 15 phút để tránh cá bị sốc nhiệt, sau đó từ từ thả ra ngoài ao. Nếu cá bột chứa trong bao nylon: Thả bao cá xuống ao 10 - 15 phút cho cân bằng nhiệt độ bên trong và bên ngoài bao, sau đó mở miệng bao cho cá ra từ từ. Nếu cá bột chứa trong dụng cụ hở (thau, thùng), thêm từ từ nước ngoài ao vào dụng cụ chứa cá vài lần cho cá quen với nước ao mới, sau 10 - 15 phút chuyển thùng xuống ao, từ từ nghiêng thùng cho cá ra ngoài.
4. Thức ăn cho cá bột
Trong 10 ngày đầu: cho cá ăn lòng đỏ trứng và bột đậu nành. Khẩu phần cho 100.000 cá bột/ngày gồm: 5 lòng đỏ trứng + 600g bột đậu nành. Cách cho ăn: Lòng đỏ trứng luộc chín, bóp nhuyễn, hòa tan trong nước cùng bột đậu nành. Tạt đều thức ăn khắp ao. Mỗi ngày cho ăn 3 lần: 7 giờ , 11 giờ, 17 giờ.
Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 20: Cho cá ăn bột cá, cám và bột đậu nành. Khẩu phần cho 100.000 cá/ngày gồm: 300g đậu nành + 300g cám + 300g bột cá. Cách cho ăn: Trộn đều 3 loại thức ăn trên sau đó rải đều trên mặt ao. Ngày cho ăn 3 lần.
Từ ngày thứ 21 trở đi giảm bột đậu nành, chỉ cho ăn bột cá và cám, trộn cám với bột cá với tỷ lệ bằng nhau cho cá ăn ngày 2 - 3 lần, lượng thức ăn chiếm khoảng 15 - 20% trọng lượng cá nuôi. Cho ăn như vậy đến khi cá đạt kích cỡ giống khoảng 300 - 500 con/kg.
Lưu ý: Thức ăn nên trộn thêm Vitamin C liều lượng 30 - 40 mg/kg thức ăn. Sau khoảng 15 - 20 ngày, có thể cho cá ăn bằng thức ăn viên công nghiệp loại viên nhỏ mảnh có hàm lượng đạm trên 30%.
5. Chăm sóc quản lý ao ương
Trong quá trình ương hạn chế thay nước, nhưng khi thấy nước ao bẩn hoặc có điều kiện thì nên thay 30% nước để kích thích hoạt động bắt mồi của cá. Hằng ngày, trước khi cho ăn phải vệ sinh sàng ăn và kiểm tra lượng thức ăn còn lại để tăng giảm hợp lý, tránh tình trạng dư thừa làm ô nhiễm nước hoặc thiếu thức ăn cá sẽ sát hại lẫn nhau. Đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn giúp cá mau lớn, đạt tỷ lệ sống cao.